Thánh Bổn Mạng Mỹ Thuật Đa Minh ( Fra Angelico OP)

Fra Angelico OP, sinh vào cuối thế kỷ XIV, khoảng năm (1395 – 1455) tại Rupecanina, một làng nhỏ vùng Fiesole xứ Tuscany . Người ta không biết cha mẹ ông là ai và ông học vẽ ở đâu. Chỉ biết rằng khi ông gia nhập dòng Đa Minh vào năm 1418 với tên khai sinh Guido di Pietro thì ông đã là một hoạ sĩ.

Tại tu viện San Marco ở Florence, nơi ông sống 9 năm (1436 – 1445), Fra (thày dòng) Giovanni đã vẽ các bích hoạ tuyệt vời theo đặt hàng của Cosimo de’ Medici – người giàu có và quyền lực nhất Florence, đồng thời là một trong những nhà bảo trợ nghệ thuật nổi tiếng nhất thời Phục Hưng. Tại đây ông cũng minh hoạ và trang trí những cuốn sách mà Giorgio Vasari – hoạ sĩ và nhà viết tiểu sử các hoạ sĩ Phục Hưng – đã coi là không gì có thể đẹp hơn.

Các tác phẩm của Fra Giovanni khiến tiếng tăm của ông lan truyền khắp nước Ý. Cả đức giáo hoàng Eugenius IV và người kế nhiệm là đức giáo hoàng Nicholas V đều đã cho vời Fra Angelico tới La Mã để vẽ bích họa cho các nhà nguyện tại tòa thánh Vatican. Tương truyền rằng, cảm phục lối sống thanh khiết và thành kính của vị thày dòng kiêm hoạ sĩ, đức giáo hoàng Eugenius IV đã định bổ nhiệm Fra Giovanni làm giám mục Florence. Nhưng Fra Giovanni đã cầu xin đức giáo hoàng ban chức này cho một người khác, một người sùng đạo, yêu thương người nghèo, có học vấn, có kỹ năng lãnh đạo, một người có phẩm hạnh xứng đáng hơn ông. Làm như vậy Fra Giovanni đã chứng tỏ một đức hạnh cực hiếm: ông đã nhường lại quyền cao chức trọng và địa vị xã hội cho người mà ông chân thành tin xứng đáng hơn mình. Chấp nhận thỉnh cầu của Fra Giovanni, đức giáo hoàng Eugenius IV đã bổ nhiệm Fra Antonino làm giáo chủ Florence, người sau này đã được đức giáo hoàng Adrian VI phong thánh. Fra Giovanni còn là một người giản dị và có những thói quen thánh thiện. Có lần đức giáo hoàng muốn mời Fra Giovanni dùng bữa, nhưng ông đã thoái thác vì thấy lương tâm cắn rứt nếu ăn thịt mà chưa được phép từ bề trên trực tiếp, tức tu viện trưởng của mình.

Ông vẽ liên tục và không vẽ gì khác ngoài tranh thánh. Cũng như Giotto trước kia, ông vẽ từ mẫu thật. Áp dụng luật viễn cận do Brunelleschi phát hiện và được Masaccio, danh hoạ trẻ tuổi hơn, dùng lần đầu tiên trong bức “Thánh ba ngôi” tại nhà thờ Santa Maria Novella, Fra Giovanni đã vẽ Chúa và các tông đồ trong không gian tự nhiên 3 chiều, vượt ra ngoài bố cục ước lệ của hội hoạ Gothic và Byzantine. Bởi vậy trong tranh của Fra Giovanni, Đức Chúa và các tông đồ trông sống động gần gũi đời thường, dường như tiên đoán sự nở rộ của tính nhân văn trong nghệ thuật của Botticelli, Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael sau này. Tuy nhiên, khác với Masolino, hoạ sĩ cùng thời và cùng phong cách, Fra Giovanni đã không quá say sưa chạy theo cái mới về luật viễn cận và giải phẫu mà Masaccio dẫn đầu thời đó. Ông thận trọng áp dụng chúng trong chừng mực để cách tân các lý tưởng của nghệ thuật Trung Cổ nhưng vẫn gìn giữ sự giản dị và cá tính bên trong của phong cách của ông. Trong lý thuyết kiến trúc của mình, Leon Battista Alberti – kiến trúc sư kiêm học giả đa tài và cũng là một người cùng thời với Fra Angelico – đã phân biệt cái đẹp với sự hoa mỹ, trong đó cái đẹp được xây dựng theo một hệ thống tỉ lệ hài hoà còn sự hoa mỹ được gắn với các dãy cột và các hoa văn trang trí. 

Khi vẽ các bích họa tại tu viện San Marco, Fra Angelico đã loại bỏ các chi tiết rườm rà mà nếu theo lý thuyết của Alberti sẽ được coi là hoa mỹ, và chỉ tập trung xây dựng một sự hài hòa thị giác, đượm màu thần bí nội tâm. Tranh của Fra Angelico vừa mang vẻ hiện thực trần thế vừa thánh thiện dịu dàng với niềm tin không chút vẩn đục. Phẩm chất này đã khiến hội họa của ông vượt hẳn lên so với tranh của Masolino và của nhiều hoạ sĩ đương thời, mặc dù cả ông và Masolino đều vẽ da thịt màu hồng trên bóng đổ màu vàng và lục đất, vẫn giữ một số ước lệ về viễn cận và giải phẫu, nhiều khi sai lầm, của hội họa thế kỷ XIV mà Giotto là đại diện kiệt xuất.

Ông có thể sống giàu có, nhưng ông đã không màng tới giàu sang. Ông nói những người thực sự giàu là những người biết hài lòng với tối thiểu. Ông có thể có địa vị cao sang giữa các thày dòng song ông đã không coi địa vị ra gì bởi ông khẳng định mình không đeo đuổi phẩm hạnh nào khác ngoài hướng tới Thiên đàng, tránh rơi xuống Địa ngục. Ông thường nói nghệ sĩ cần sự yên tĩnh và phải sống vô tư. Ông tin rằng người nào vẽ Đức Chúa phải luôn sống bên Chúa. Ông không bao giờ giận dữ hay cãi cọ với các thày dòng khác. Những người muốn đặt ông vẽ tranh đều được ông trả lời phải hỏi qua tu viện trưởng. Sau khi tu viện trưởng đồng ý, Fra Giovanni đáp ứng và hoàn thành hợp đồng không khi nào sai.

Vào thời đó, để khoe giàu sang và địa vị, những khách đặt hàng quyền quý thường yêu cầu hoạ sĩ vẽ các tranh thờ bằng tempera trên vóc gỗ với nhiều trang phục lộng lẫy, đầy các màu đỏ vermillion từ thần sa, ultramarine từ lapiz lazuli, thiếp vàng v.v. Những màu đắt tiền này hoàn toàn vắng bóng trên các bích họa của Fra Giovanni tại tu viện San Marco, nhường chỗ cho các màu nâu đỏ và lục đất. Thay cho những áo choàng thêu chỉ vàng nạm đá quý là các nếp áo trắng và đen giản dị của các tu sĩ dòng Dominican. Cosimo de’ Medici –  người từng được coi là Pater Patriae (Cha của Dân tộc), nhà bảo trợ giàu sang và quyền lực bậc nhất Florence và là người đặt Fra Giovanni vẽ các bích hoạ này – đã không can thiệp vào biểu hiện nghệ thuật của Fra Giovanni.

Fra Giovanni không bao giờ sửa lại tranh mình đã vẽ vì ông tin những gì đến lần đầu tiên trong sáng tạo là ý của Chúa. Tương truyền mỗi lần trước khi cầm bút vẽ, ông đều phủ phục cầu nguyện mong tâm hồn được thuần khiết để có thể thấu hiểu và thể hiện được đề tài siêu phàm. Mỗi lần rời giá vẽ ông đều cất tiếng cảm ơn Chúa đã ban cho khả năng bộc lộ hình dung thánh thiện của mình cho người đời chiêm ngưỡng. Giorgio Vasari còn kể rằng Fra Giovanni thường khóc khi vẽ Đức Chúa bị đóng đinh.

Fra Giovanni mất năm 1455. Ít lâu sau khi qua đời, ông được gọi là Fra Angelico tức “thày dòng thiên thần”. Danh hiệu này đã được giáo hội chính thức công nhận khi đức giáo hoàng John Paul II phong chân phước cho Fra Angelico ngày 3 tháng 10 năm 1982. Năm 1984 đức giáo hoàng John Paul II tuyên bố Fra Angelico là thánh hoàng của các hoạ sĩ Công giáo. Lễ thánh mang tên ông được ấn định vào ngày 18 tháng 2 hằng năm. Ngày nay người Ý gọi ông là Il Beato Angelico, tức “á thánh thiên thần“.

Nguyễn Đình Đăng

Bình Luận