KÝ SỰ ĐI RA VÙNG NGOẠI BIÊN

KÝ SỰ  ĐI RA VÙNG NGOẠI BIÊN

 

“Đi ra vùng ngoại biên “ là tên một trại sáng tác tranh, tượng do tòa Giám mục Lạng Sơn- Cao Bằng phối hợp cùng ban Mỹ Thuật Đa Minh tổ chức thực hiện từ ngày 3/3/2017 đến  ngày 10/3/2017 tại nhiều địa điểm thuộc giáo phận Lạng Sơn- Cao Bằng

“Đi ra vùng ngoại biên “ được hình thành từ một cái “ Duyên “ bất ngờ do cuộc gặp gỡ thật tình cờ giữa Đức Giám mục giáo phận Lạng Sơn- Cao Bằng, Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri và ban Mỹ Thuật Đa Minh tại trại sáng tác K’ Long Lâm Đồng vào tháng 10/ 2016. Tại đây Ngài cũng hào hứng cẫm cọ vẽ chung cùng với anh chị em trong Ban. Những ước muốn ấp ủ “làm gì đây cho giáo phận” làm Đức cha phải suy nghĩ khi đứng nhìn anh chị em đang cố thể hiện chủ đề “ Dấu chân Tin Mừng “ tại K’ Long, dường như do Thánh Thần thúc đẩy Ngài đã đề nghị với ban một trại sáng tác tại chính giáo phận của Ngài, vùng đất xa xôi hẻo lánh,đa số là đồng bào dân tộc, mật độ dân cư thưa thớt, kinh tế còn nghèo nàn, trình độ văn hóa chung còn nhiều hạn chế và đặc biệt sinh hoạt các giáo xứ còn nhiều khó khan, tỷ lệ người Công Giáo rất thấp,chỉ có 1/300

Điều Chúa muốn làm thì Chúa làm

 “Đi ra vùng ngoại biên “ được lên chương trình cụ thể với nhiều lo toan từ phía con người, anh trưởng ban Lê Hiếu lại tất bật liên lạc, xắp xếp người này người kia, loay hoay chương trình này, lên khuôn chương trình nọ, thông tin chạy qua chạy lại giữa Đức cha và ban MTĐM.Lúc này các anh chị em trong ban lo lắng nhiều hơn sự Tin tưởng, có lẽ đó cũng là lẽ tự nhiên vì là lần đầu tiên anh chị em sáng tác  và triển lãm tại một nơi xa xôi và xác suất có người thưởng lãm mỹ thuật chắc là không cao so với thành thị. Nhưng vì tiêu chí “ rao giảng Tin Mừng qua đường nét và màu sắc “.Với sự động viên của cha linh hướng cha Vinh Sơn Nguyễn Thành Tín OP và cha đồng hành Phanxico Xavie Đào Trung Hiệu OP  cùng với lời Gọi từ sâu thẳm trong mỗi họa sỹ,một số anh chị em đã xắp xếp được, quyết định bước lên thuyền “ tung lưới”

“Đi ra vùng ngoại biên “, chủ đề cho trại sáng tác này do chính Đức Cha Giu Se Châu Ngọc Tri đặt tên, là Lời mời gọi rất mạnh mẽ bởi động từ “ Đi ra “. Chúng ta đã sống quá thân thuộc với những tiện nghi, thói quen. Quanh ta có quá nhiều hệ thống mà ta phải bám vào để đảm bảo cho sự an toàn, nhàn nhã, hưởng thụ… vì thế “ đi ra “ vừa là mời gọi “ bỏ lại” vừa là thách thức nhưng cũng phải là Tin tưởng và Phó thác, nếu không cũng chẳng có ai có thể dám “ đi ra “

Lời mời gọi ‘đi ra “ này để đến với những nơi xa xôi , chia sẻ với những anh chị em còn nhiều khó khăn … là lời mời gọi vượt lên trên hiện tại để hướng hiện tại về tương lai, là lời mời đi ra khỏi sự giam hãm của cái Tôi để hiệp thông cùng tha nhân. Mỹ thuật là một công cụ, nó có thể trở nên những nhịp cầu nối kết những dị biệt giữa cái Tôi và Tha nhân, đó là cùng đi tìm cái Đẹp và cái Đẹp sẽ thăng hoa những nỗi vất vả và âu lo của đời sống

Rồi ngày hẹn hò cũng đến ,ngày 3/3/17 đoàn gồm 19 anh chị em họa sỹ và điêu khắc trong đó có 3 người đi tàu lửa từ Huế ra thẳng sân bay Nội Bài. Bước ra khỏi nhà ga sân bay , nhiều lo lắng trong anh em vơi nhẹ hẳn đi vì sự chu đáo của đơn vị chủ nhà, xe của tòa giám mục đón đoàn tận nhà ga sân bay và do chính 2 linh mục của tòa : cha Vinh Sơn Vũ văn Lễ và cha Giuse Hoàng văn Tiệc, hai cha thật thân thiện và ân cần cộng thêm cảnh hai bên đường lạ, đẹp và hùng vỹ nên những lo lắng trong anh chị em gần như không còn mà thay vào đó sự háo hức đang nóng dần lên

Đến tòa giám mục là chính đức giám mục ra đón đoàn, đến lúc này tất cả anh chị em đều nhận ra sự chuẩn bị chỉn chu đến từng chi tiết, phục vụ tốt nhất cho công việc sáng tác trong những ngày sắp tới

Tại ngay cuộc gặp mặt đầu tiên tại phòng khách lớn để chào đức cha, một chương trình làm việc thật rõ ràng và tỉ mỷ đến tưng chi tiết. Đức cha sẽ tạo điều kiện cho anh chị em họa sỹ “ đi ra” những  biên của vùng ngoại biên, lần đầu tiên một trại sáng tác lại chia nhỏ ra thành 6 trại nhỏ hơn để đi về biên của vùng biên, các nơi anh em sẽ đến  là các giáo xứ Thanh Sơn, Thất Khê, Mỹ Sơn, Đồng Đăng, Lộc Bình và nhóm tại tòa giám mục để đi nhiều nơi xung quanh tòa

 

Có lẽ đa số anh chị em , đây là lần đầu tiên được ở chung, ăn chung với “ giới nhà tu “ nên cũng có vẻ bớt ồn ào, trật tự hơn và hình như thánh thiện hơn, nhiều anh chị em lọ mọ dậy từ 5g sáng để tham dự Thánh Lễ trong cái lạnh căm của sáng sớm

Hôm sau, ngày “khai cọ” do chính đức cha chủ trì và chính Ngài hướng dẫn, giới thiệu về giáo phận về các giáo xứ, về tòa giám mục về nhà thờ chánh tòa. Nhiều ý tưởng và nhiều cảm xúc dần hình thành trong anh chị em. Đặc biệt khi Đức cha giới thiệu về tháp chuông cây nhãn là một sự vỡ òa ra của lòng thán phục về sức mạnh của niềm Tin, nó vươn lên trên mọi nghịch cảnh, không một khó khăn nào có thể ngăn được tiếng chuông cây nhãn, nó có sức lan tỏa rộng và sâu đến tận từng cõi lòng con người mà mãi đến tận hôm nay nó vẫn ngân vang tiếng ngân lịch sử của nó. Chỉ qua một buổi “khai bút” cảm xúc trong từng anh em trào dâng, mọi người vội vã bắt tay ngay vào việc như sợ những cảm xúc kia sẽ vuột mất. Dường như mọi anh chị em đều cảm thấy rằng chính nơi những vùng càng hoang sơ hẻo lánh, càng biên thì nguồn nuôi dưỡng sức sống càng nguyên tuyền, càng mãnh liệt, thế là tha hồ tràn trề cảm xúc mà sáng tác bù cho những ngày nhiều khi ngồi “cắn cọ “ ngửi khói xe mà chẳng biết vẽ gì

Sau ngày “ khai cọ” từng nhóm anh chị em lên đường  theo kế hoạch đã phân công như trên. Từng nhóm  đươc xe tòa giám mục đưa đi “bàn giao” 3 ngày cho các giáo xứ xa xôi, chính tại những nơi này ngoài việc sáng tác , từng người còn có dịp nhìn thấy tận mắt, và cùng hòa mình vào nhịp sống  của thiên nhiên và con người vùng biên, có dịp để “đi ra “ khỏi những mô thức của thị thành, của chính mình

Sau 3 ngày trở về lại tòa giám mục nhìn bước chân mỗi người tràn đầy động lực, mà hình như mỗi người đều vẫn cảm thấy chưa muốn trở về, từng bước chân anh thấy rõ sự lưu luyến và níu kéo của vùng xa xôi

Kết quả không thể ngờ, để phục vụ cho ngày triển lãm tổng kếthôm sau

Với 52 bức tranh thể hiện rất nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều nơi nhiều góc cạnh của vùng biên của cuộc sống , lịch sử vùng biên…và một tượng thánh Giuse thể hiện tình cha con , có ý hướng về lễ kính thánh Giuse 19/3 sắp tới , bổn mạng đức giám mục giáo phận

Ngày triển lãm tổng kết lại là một ngạc nhiên bất ngờ cho anh chị em họa sỹ, dù trời rất lạnh và mưa từ sáng sớm nhưng  số lượng người thưởng lãm đến rất đông,và như thế nỗi lo và xác suất có người thưởng lãm mỹ thuật không cao so với thành thị trở thành không đúng, đây chính là niềm vui bất ngờ cho tất cả anh chị em họa sỹ

Ngoài ra còn có sự quan tâm của chính quyền địa phương, sau bài phát biểu và tuyên bố khai mạc của Đức Cha còn có bài phát biểu và chúc mừng của ông đại diện sở văn hóa, nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn. Trong lúc mọi người thưởng lãm tranh, từng họa sỹ diễn giải những bức tranh của mình về ý tưởng sáng tác, nhiều câu hỏi được người xem đặt ra và thực sự như chưa từng có sự giao lưu nào được thể hiện cách thân mật và đầy thiện chí như vậy

Thể hiện cụ thể cho lần “ đi ra vùng ngoại biên này “ tất cả anh chị em thống nhất không bán màtặng lại cho giáo phận toàn bộ số tranh đã sáng tác để phục vụ cho các công tác văn hóa nghệ thuật, không những cho Giáo Phận mà còn cho cả mọi người nơi miền đất xa xôi này, vì trong từng bức tranh nó vốn tiềm ẩn sự  “ đi ra” của chính tác giả, tiềm ẩn những ước mơ cho “vùng ngoại biên” Cầu mong cho tương lai mỗi ngày mỗi đẹp hơn

Xin cám ơn “ Vùng ngoại biên “ đã tạo cơ hội cho “ người nội thành “ “đi ra “ nhiều thứ cần phải đi ra.

Bài : Nguyễn Quốc Khánh & Ảnh : Phó Bá Cường

 

 

Bình Luận